Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Công Quả


Khổ công vượt biển trèo non
Cùng nhau đến Phổ Đà Sơn tìm thầy 
Có duyên hội ngộ nhau đây
Hai tuần thử thách ngày ngày lao công!

  Có một lần anh Lê Bá Thắng từ Texas gọi thăm, anh hỏi tôi "Công Quả" là gì? Vì anh bên đạo. Nhà anh gần Tố Đình Từ Đàm (Irving-Texas) Thầy Viện Chủ là Ôn Thích Tín Nghĩa, là sư phụ thứ hai của tôi.
  Vào năm 1993 chúng tôi lên dự đám cưới cháu Oanh, ái nữa của anh chị Lê Bá Thắng.Gặp lại ông bà Lê  Bá Toàn. Trước năm 75 ông là Trung Tá Giám Đốc Trường Sinh Ngữ Không Quân-Nha Trang. Và tôi cũng có duyên hạnh ngộ giáo sư Lê Bá Kông. Nhân dịp đó chúng tôi ghé qua thăm Ôn, lúc đó còn Tổ Đình Từ Đàm cũ. Dù rằng tôi chưa đến chùa Ôn làm công quả, nhưng tình cảm Ôn dành cho gia đình rất là đặc biệt. Năm 1992, Ôn về chùa Long Vân chứng minh lễ cưới cho con gái tôi. Đến năm 2006, Ôn về chùa Báo Ân cúng 49 ngày cho  Sanford Lasner (Giác Viên) người bạn đời của tôi. Ôn lại để hình má, con gái và phu quân thờ tại Tổ Đình, nên thỉnh thoảng anh Lê Bá Thắng ghé qua thắp hương.
  Với Phật tử ai cũng biết khi nói đến " Công Quả" . Riêng tôi thì làm từ năm 1984 khi chưa có pháp danh. Vào năm đó cả Tiểu bang Florida chỉ có ngôi chùa Long Vân độc nhất, toạ lạc gần đường 436 và 50. sau này có thêm chùa Tam Bảo trên Rockspring(Apopka-Florida). Chùa Báo Ân N.Apopka Vineland( Orlando-Florida). Chùa Pháp Vũ N. Dean Rd (Orlando-Florida). Tu Viện Cát Trắng  Knost Dr (Mims-Florida).Đến năm nay 2015, thì rất nhiều chùa được thành lập tại Orlando.
  Chùa Báo Ân  thì bán thức ăn tại chổ vào mỗi sáng Chủ Nhật, có khoá tu hàng tháng và tổ chức lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, Trung Thu, Chợ Tết... thường hay mướn ca sĩ tên tuổi như Quang Lê-Nguyên Lê- Hương Thuỷ- Đặng Thế Luân-Ngọc Huyền-Phi Nhung... về trình diễn, có lớp dạy Việt Ngữ. Mỗi khoá tu các Ôn thường xuyên về giảng và hướng dẫn tu tập là Ôn Nguyên Hạnh(Chùa ViệtNam-Texas) Ôn Hạnh Đạt (Tu Viện Kim Cang-GA). Ôn Bổn Đạt (Chùa Phổ Đà-Ottawa-Canada). PhậT tử quy y Ôn Nguyên Hạnh bắt đầu bằng chữ "Nguyên" .Phật tử quy y với Ôn Bổn Đạt bắt đầu bằng chữ (Giác).
   Năm 2014 chùa Pháp Vũ khởi công xây dựng. Chùa cũng có tiệm cơm chay ngoài phố Việt Nam. Chùa cũng có khoá tu hàng tháng, cũng thường tổ chức những ngày lễ lớn đều mời ca sĩ nổi tiếng như chùa Bào Ân. chùa có hướng đạo sinh, dạy võ thuật và có thầy trị bệnh bằng nhân điện. Tu Viện Cát Trắng thì có 4 khoá tu mỗi năm cho người Việt theo mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, mỗi khoá tu là 3 ngày. Và 4 khoá tu cho người Mỹ, tu chỉ 1 ngày.
Thầy Viện chủ cũng thường mời các Ôn lớn về hướng dẫn và giảng Pháp. 
  Bạn đời là người Mỹ, anh theo tôi làm công quả từ năm 1984, bắt đầu từ chùa Long Vân. Anh quy y với Ôn Bổn Đạt có pháp danh là Giác Viên. Ngày anh qua đời có đến ba Ôn về làm lễ là Ôn : Thích Nguyên Hạnh (chùa Việt Nam-Taxas) Ôn Thích Hạnh Đạt ( Tu Viện Kim Cang-GA). Ôn Thích Bổn Đạt (chùa Phổ Đà_Ottawa-Canada). Nhớ cái ân đó  nên khi ni sư Liễu Hà hỏi tôi có muốn qua chùa Phổ Đà làm công quả  2 tuần cho mùa an cư của quý tăng ni, tôi hoan hỷ đi ngay. 
  Trong đạo tràng chùa Báo Ân đi qua Phổ Đà cũng khá đông mà phần nhiều là nữ Phật tử. Bên nam Phật tử là chú Trung, phu quân của Hạnh (Giác Thiện), và chú Long, nhưng vào phút chót chú Long đổi ý thành ra chỉ có chú Trung đơn thân độc mã. Lúc đó chú Trung đang thất nghiệp. Hạnh phu nhân của chú Trung là cô hàng chè chùa Báo Ân và chuyên môn sang băng giảng. Hạnh cũng là đệ tử của Ôn Phổ Đà , nhân dịp này cũng muốn phu quân mình quy y với Ôn để cùng một sư phụ.
  Chùa Phổ Đà ngoài phố thì nhỏ không có bãi đậu xe, cũng làm chút ít thức ăn bán cuối tuần. Chúng tôi về chùa lớn trên núi. Con đường từ phố lên Phổ Đà Sơn có những khúc quanh chạy vòng đường núi, những vách đá cao sừng sửng, khung cảnh như bức tranh đẹp tuyệt vời, sơn thuỷ hữu tình, với trời xanh mây trắng, tiếng thác đổ ầm ì xa xa vọng lại. Nhìn xuống bên kia là hồ nước lớn mênh mông như con sông lớn, mặt nước thật êm chỉ lăn tăn làn sóng nhỏ.

Lên thăm chùa Phổ Đà Sơn
Non cao chớn chở chập chờn mây bay
Chợt nghe tiếng thác đâu đây
Trời xanh, nước biếc, hàng cây đón chào
Ngoài kia vạt nắng xôn xao
Tiếng chuông cảnh tỉnh trôi vào hư không...

  Cạnh bên dãy phòng chư Tăng có xây vườn Lộc Uyển, những tượng khá lớn và mấy chú nai trông rất giống cảnh thật. Qua khỏi đó là hồ nuôi đá, có dòng nước suối chảy rỉ rả vào hồ, được trang trí nhiều tảng đá rất thiền vị và mỹ thuật. Vì thiếu người công quả nên cỏ dại mọc um tùm. Chùa nuôi rất nhiều thú từ; chó, chim, công, ngỗng, vịt... nuôi dưới hầm, chùa công  thì bên ngoài, có mấy chú công trắng xoè cánh múa rất ư là đẹp. Chỉ có sư cô săn sóc cho bầy  thú và còn đi làm, cho nên tôi ở làm công quả 2 tuần tôi chỉ gặp sư cô thoáng qua thôi.
  Bỏ hết 3 ngày dọn nhà bếp và nấu nướng, khi có người về làm công quả, tôi thưa với Ôn Phổ Đà để tôi ra tiếp  với chú Trung, vì tôi biết chú nãn muốn về, mà thầy thì muốn chú dọn dùm ngọn núi bên dãy phòng ni. Nghề của chú là xử dụng những máy ủi đất, cắt cây... Chùa không có đủ đồ nghề nên phải ra phố mua, mới biết hàng hoá bên Canada mắc kinh khủng.
  Tôi nghe đồn là chú hay chủi thề, nên cũng hơi ngại. Chú giận ni sư nên lúc làm việc mới la lớn "Sư cô Liễu Hà đem con bỏ chợ". Tiếng chú vang lên lồng lộng giữa rừng núi Phổ Đà Sơn. Mỗi lần máy hư thay vì chửi thề, chú rống lên "A Di Đà Phật", tiếng niệm Phật vang cả núi rừng, tuyệt nhiên tôi không nghe tiếng chửi thề. Những cây cắt xong phải lăn xuống núi, chú phá rừng làm động ổ nên muỗi ào ra chít đau điếng. Muỗi Canada thật độc, nó sưng to bằng đầu ngón tay, tôi với chú đều bị sốt. Cũng tại mình phá ổ người ta nên nó đốt là phải  rồi.

Tại mình phố ổ muỗi, mòng
Thi nhau nó đớp sưng phồng thịt da
Tại mình phá ổ người ta
Thì đừng than thở kêu ca nỗi gì!

  Dù bị sốt nhưng tôi với chú vẫn tiếp tục làm, chú phải trùm khăn như dân Á Rập. Đẩy bằng xe rùa hết nổi, mới xoay qua xài xe cắt cỏ , lấy tấm bạt cột vào máy cắt cỏ , bỏ cây lên kéo đi. Một sư cô ra phụ chạy một hồi banh luôn xe cắt cỏ. lại dùng xe van, cột cây kéo đi, vùa cắt vừa đốt. Thấy trên cây có trái chín đỏ, cô hỏi tôi trái này ăn được không? Tôi đùa :
    -Ăn được hay không cô thử là biết liền!
  Không  ngờ cô bỏ nhanh vào miệng rồi phun ra phéo phèo. Tôi hốt hoảng la lên:
  -Tại sao cô lại ăn? Rủi nhằm trái độc thì sao? Cô ngây thơ:
  - Thì tại cô bảo tôi ăn!
  - Mô Phật! Con đùa mà!    Mấy người tu thật là thật thà, không biết nói đùa. 
  Khoá an cư này có Ôn Tâm Châu. Ôn Trí Đức và nhiều chư Tăng Ni. Mỗi tối có giảng chùa dưới phố, Ni sư kêu tôi đi nghe giảng, nhưng tôi không đi, vì đến làm công quả chỉ có 2 tuần mà phải làm cho xong ngọn núi đó, làm cả ngày không nghĩ trưa, dầm mưa làm luôn. Đến tối mịt mới vào thì đã oải rồi, chỉ muốn nằm thôi, làm sao ngồi nổi mà nghe giảng. Còn làm dở dang thì không có tôi trong đó. Tôi chỉ xuống chùa dưới phố khi  chú Trung làm lễ quy y . Chú chưa bao giờ mặc áo tràng nên tôi phải cài nút dùm và chú cũng chưa biết phải lễ lạy như thế nào,  nên tôi bảo chú hãy nhìn theo tôi rồi làm theo.

Quy y bạn đã kết duyên
Thọ năm giới cấm xin nguyền khắc ghi
Bỏ tham ái... bỏ sân si
Lời thầy nhắn nhủ từ bi... lục hoà
Bạn từ xứ biển thật xa
Tìm thầy lân núi Phổ Đà quy y!

  Pháp danh chú là Giác Nghĩa. Chúng tôi được nghĩ xả hơi một ngày, gia đình Phật tử Lâm Ngọc Nga _Dũng chở về nhà chơi và đi ăn.Chúng tôi bị sốt nên ngủ li bì. Hôm sau trở lại Phổ Đà Sơn tiếp tục làm cho xong, dầm mình dưới mưa, làm không ngừng nghĩ. hai chị em sát cánh làm việc khiến mọi người hiểu lầm là vợ chồng. Thấy chúng tôi làm việc hăng quá nên Dũng và vài Phật tử nữa nhảy vào tiếp sức.

Mưa chiều mờ Phổ Đà Sơn
Mưa trên tượng đá, gió vờn ngàn cây
Mỉm cười an trú hôm nay
Sống trog hiện tại tháng ngày thong dong
Sót đây một chút bụi hồng
Gửi mưa, gửi gió theo dòng đời trôi
Mưa bay mù cả đất trời
Giọt mê... giọt tỉnh rã rời giọt tan...

  Từng đống cây cao ngất, lửa cháy liên tục từ ngày cho đến đêm cho đến hôm sau. Khói toả trên đỉnh Phổ Đà Sơn gio61ng như Bồng lai tiên cảnh, mờ mờ... ảo ảo, nửa thực, nửa hư... Chỉ trong 2 tuần mà ngọn núi san bằng sạch sẽ, hốt hết những lá khô, cắt hết những cây không cần thiết, những đống cây to đùng cũng đã đốt sạch. Cái ý chí và sức con người có thể dời sông lấp biển, chân cứng đá mềm quả là không sai. Phật tử bên Mỹ qua Canada đáng hăng quá làm Phật tử Canada phải chào thua.

Chơi vơi khói toả mênh mông
Reo vui bếp lửa ấm lòng viễn phương
Gió đưa thoang thoảng mùi hương
Hương thơm giữ giới Phật Đường trang nghiêm!

  Trong  khi làm công quả  thì hãng củ kêu lại. Khi trở về thì chú Trung (Giác Nghĩa) đi làm trở lại.Hạnh rất mừng khi tôi nói trung không có chửi thề mà chỉ có niệm Phật. Trung tiến bộ rất nhiều và tánh tình cũmg thay đổi. Trung gọi Hạnh là "sư mẫu".

Đà Sơn đi dễ khó về
Khi đi lành lặn khi về te tua
Thầy nhìn thầy cũmg chào thua
Làm hoài, làm mãi... việc chùa còn nguyên!

  Kỷ niệm chuyến đi  làm công quả chùa Phổ Đà là  những vết sẹo do muỗi cắn, đến cả năm sau vẫn chưa tan cái vết thâm đen. Năm 2011, tôi đến thăm chú nhắm lúc chú lại thất nghiệp nữa, Hạnh nói nhỏ với tôi là chú xuống tinh thần và rất buồn chán, Hạnh muốn tôi rủ chú đi làm công quả. Tôi nghĩ mình phải chơi đòn "tâm lý" , nên tôi nhắc lại chuyến công quả bên Phổ Đà Sơn. Như một nhà thuyết khách tôi thuyết phục chú để chú phát tâm xuống  Tu Viện Cát Trắng làm công quả. Chú hoan hỷ nhận lời và hứa sẽ đi, tôi gài chú vào thế kẹt là hứa phải "giữ chữ tín". Vì không ai ép chú hứa, mà hứa thì phải thực hành. 
  Lần lựa không thầy chú xuống, thầy Viện Chủ là thầy Thích Tâm Thiện, nghĩ rằng cứ hứa cuội. vài hôm sau thì chú xuống như lời đã hứa.  Chú làm những công việc nặng nhọc như: lái xe ủi đất, cắt cây... Buổi ăn chiều cô Cát Tường thường nấu món nước như: mì Quảng, bún Huế, Phở... Chú Trung, Hải , Điệp... thường đòi cơm vì sức đàn ông làm việc nặng, ăn bún làm sao no bụng. Nên tôi hay chiên cơm chiên để sẳn.
  Số của tôi đi đến chùa nào cũng dính vào ông Táo. Lúc qua bên Đức, tôi hỏi Mẫn có biết chùa đâu không? Mẫn quen với bác Tâm, đầu bếp của chùa Linh Thứu. Bác tráng bánh cuốn trên khung vải kiểu bên Việt Nam. Đến nhà bác thấy bàn Phật có thờ xá lợi Phật. Theo bác đi bằng xe điện đến chùa Linh Thứu, lần đầu tiên Mẫn  làm công quả lại bị đứt tay. Bác Tâm nhờ tôi xắt phụ, bác rất ngạc nhiên là tôi xắt rất nhanh và khéo, bác đâu biết tôi cũng nhà nghề. Khi bác kêu tôi xào dùm, lúc đó bác mới nể. Nhìn cái lò mà mê, có 4 bếp thật lớn, vừa tầm nên xào không mỏi tay, và óng thông hơi kiểu nhà hàng, mùi chiên xào theo ống thông hơi nên không nghe mùi.
  Nước rất quý ở xứ này, những chậu nước để dài dài, rửa rồi tráng qua, xài nước rất tiết kiệm. Khi qua đây rồi mới thấy bên Mỹ xài nước rất hoang phí. Dân bên này phần nhiều không có xe hơi, nếu có  thì nó nhỏ xíu, chỉ 2 người ngồi, giống như chiếc xe bị cắt làm hai. Rất nhiều xe đạp, ưu tiên cho người đi bộ. Như gia đình bác Tâm, chỉ đi xe bus, hay xe điện, mua tháng. Đi xe chưa quen giống như người say rượu. Dân Đức cũng nhỏ con, hay say xỉn trên xe bus. Họ không nói tiếng Anh và không mấy thân thiện.  Một lần ghé mua hoa, chàng bán hoa nói được tiếng Anh làm mừng hết lớn.
  Chùa Linh Thứu là chùa Ni, khá đông các ni trẻ. Ni sư trụ trì người cao lớn, rất là vui vẻ và thân thiện, ni sư nắm tay Mẫn, Mẫn giựt mình cứ ngỡ là tăng nên giật tay ra. Tôi nói với Mẫn là nữ tu lâu năm họ chuyển tướng giống Tăng hơn. Đặc biệt là ni sư là món mắm chay rất ngon, và tôi học được món gỏi trái su. Chùa có Phật tử  có phòng châm cứu ngoài chợ Đồng Xuân. Đến chùa châm cứu gây quỷ cho chùa để xây dựng, tuỳ hỷ bỏ vào thùng phước sương. Có cả bệnh nhân người Đức, và Mẫn cũng thử chữa bệnh. Bác Tâm có tặng cho Mẫn 1 cái máy xay nhỏ , bác quảng cáo"chỉ nhận là nó bể ra làm tư không bị nát". Nghe bác quảng cáo mà mình cứ ngỡ thiệt, về nhà Mẫn thử liền, nhìn đậu phọng nát nhừ, 2 đứa  được một trận cười muốn vỡ bụng. Hỗng biết bác ăn huê hồng của công ty đó mấy phần trăm?
   Khi qua chùa Việt Nam dự lễ hội Quán Thế Âm. Mấy em trong ban vũ của Báo Ân được lên trình diễn sớm  để có thể quay về lại Orlando vì đi xe bus. Người đi lễ đông như kiến, chỗ phòng ăn thiếu người họ lại nhờ, nên tôi  lăn xả vào bưng dọn và rửa chén, rửa đến cạn giếng luôn. Tối lại đoàn ngủ lại khách sạn. Tôi gọi thăm bác Trần Thiện Phương thì Ngọc Sương cho biết là bác bệnh rất nặng, có lẽ sẽ không sống được bao lâu. Ngọc Sương đến chùa rước tôi. Bác ở nhà cậu trai lớn Trần Thiện Thuận. Nhìn bác nằm bẹp dí trên giường bệnh chỉ còn da với xương, nhưng rất là tỉnh táo. Bác rất mừng khi tôi đến thăm, ngồi nghe bác giảng về đạo lý làm người, và nhắc về những kỷ niệm cũ.
   Trước 75 khi ở Sư Vạn Hạnh, gặp bác chỉ biết cuối đầu chào hỗng dám nhìn mặt, chưa lần dám nói chuyện. Khi qua Mỹ tôi vẫn thường liên lạc với bác gái và lên thăm hai bác khi bác định cư ở tiểu bang Pennsylvania, bác gái dạy tôi làm món bánh cuốn dã chiến, bác rất thương tôi và xem tôi như con gái nuôi, một thành viên trong gia đình. bác gái hẹn tôi sẽ cùng nhau về lại Việt Nam, nhưng bác không chờ được đã ra đi trước, bỏ bác trai lại một mình. Khi bác trai biết tôi làm thơ viết văn, bác có viết thơ hoạ và tôi tiếp chuyện với bác.
   Tối hôm đó tôi ngủ lại nhà cậu Thuận  và ngồi cạnh giường bác như đứa con gái nói chuyện với bác thật lâu, những lời nói như  lời trăn trối cuối cùng. Bác chống chỏi với bệnh tật mà tinh thần rất vững vàng và tỉnh táo và biết mình sẽ đi về đâu khi xả báo thân nầy. Khi về Orlando không bao lâu  thì nghe tin bác qua đời. Nguyện cầu hương linh bác về nơi thế giới an lành. Một  chuyến đi lễ hội Quán Thế Âm đã để lại trong tôi những hình ảnh thân thương của bác, mỗi lần nhớ đến tôi vẫn ngậm ngùi!
  Tôi đã từng lên Tu Viện Kim Cang  làm công quả và nuôi bệnh cho Ôn Hạnh Đạt khi Ôn chạy chemo. Dù Ôn không có tài giảng pháp nhưng cái đức hạnh, lòng kham nhẫn  khiến tôi kính phục. Lần này đến Tu Viện Kim Cang cùng với ni sư và Phật Tử Báo Ân phụ lễ Phật Đản trong 2 ngày. Tôi với bác Diệu Đức ở lại vài ngày rồi bác về nhà con trai, tôi thì về nhà cháu Kim Trang.
   Chùa xây dựng đã hoàn tất, căn hầm dưới chánh điện là nhà sinh hoạt, có cả sân khấu, rất nhiều ghế khỏi phải thuê. Một giàn bếp giống như chùa Linh Thứu (Đức). Chùa thì lớn, đất thì rộng mà chỉ mình Ôn và một thầy lớn tuổi. Nên khi giờ tụng kinh tôi không vào tụng, vì thầy bảo tôi làm dùm công việc. Nghĩ cũng  ngược đời, Phật tử đến chùa là tụng kinh, còn tôi thì làm việc, tôi chỉ có thể chọn một. Về nhà cháu thì có phòng thờ riêng biệt nên tôi có 2 thời công phu đàng hoàng. Lần này tôi làm mấy trăm bánh lá gai, đem đến Phật tử mua hết khỏi phải hấp, thấy vậy Ôn trồng thêm lá gai.
  Nhìn thấy Ôn bị bướu cổ khá lớn, mấy năm trước có cụ Hiền, giờ cụ già yếu con cháu đã rước về nhà. Ôn phải tự mình lo  lấy,  chỉ ăn qua loa làm sao có đủ  sức. Phật tử chỉ đến cuối tuần,  nghe đâu vùng Atlanta có hơn 30 ngôi chùa lớn nhỏ, nên Tu Viện ngày càng vắng vẻ .  Năm 2014 Ôn đi mổ và tắt tiếng luôn, đệ tử Ôn phải bỏ học về săn sóc cho Ôn và thay thế chuyện Phật sự.
  Nỗi băn khoăn của tôi khi thấy quá nhiều chùa phải chia năm, xẻ bảy. Đó cũng là niềm lo âu của Ôn Phước Tịnh khi về chùa Pháp Vũ.
  Nói đến "Công Quả" thì tôi đã làm công quả nhiều nơi, dù ngôi chùa đó tôi chưa đến. Tội bận chùa này thì cũng làm bánh bao hay bánh cam, làm với lòng hoan hỷ, đó cũng là "Công Quả", dù rằng mình không đến chùa. Không chỉ giúp một chùa mà chùa nào cần thì tôi tới. Tôi không muốn lệ thuộc vào một chùa vì tôi thích tự do, không thích ràng buộc, làm với lời nguyện chớ không phải "bị làm".

Viết từ Nairobi (Kenya) Hè 2012.
Dị Nhơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét