Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Tranh Phong Thuỷ


      Thời gian gần đây, như đã trở thành thông lệ, mỗi khi có người quen, người thân tổ chức tiệc mừng nhà mới, hay khai trương cửa hàng .. thì y như là rằng, chúng ta đều tìm mua một tấm tranh Tàu Buồm, Ngựa hay Cá Chép... làm quà tặng, với mục đích thay lời chúc làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc...

      Những tranh ấy được gọi chung là tranh Phong Thủy
     Tranh Phong Thủy trước đây ít hoặc chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, nhưng ở Trung Hoa, thì đã rất thịnh hành. Chẳng những dùng làm quà tặng với mục đích trang trí, tranh Phong Thủy  còn có tác dụng điều hòa sinh khí, mang lại tài lộc, sức khỏe, thịnh vượng cho căn nhà, đồng thời chấn tà khí, xua đuổi những điềm dữ, điềm hung.
      Sở hữu những bức tranh Phong Thủy trong nhà, gia chủ vừa cảm thấy an tâm để làm ăn, lại có thêm những tác phẩm nghệ thuật giúp ngôi nhà trở nên quyến rũ và hấp dẫn hơn.

 

Sau đây là ý nghĩa của một số bức tranh mang lại may mắn.

- Thư pháp, câu đối, hoành phi mang ý nghĩa chúc phúc, cầu may cho gia đình.

- Tranh tường lớn vẽ hoa mẫu đơn tượng trưng cho vinh hoa phú quý.

- Tranh vẽ hoa hướng dương làm căn phòng tăng thêm dương khí, bù đắp lượng ánh sáng thiếu hụt, tạo sinh khí cho ngôi nhà.

- Tranh vẽ hoa sen, cá chép tượng trưng cho sự no đủ, tiền tài viên mãn.

- Tranh tùng bách xanh 4 mùa tượng trưng cho sự trường thọ.

....
Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của một số tranh thông dụng:

1 - Tranh Thuyền Buồm (thuận buồm xuôi gió)

     Thuyền buồm được coi là biểu tượng của thành công trong kinh doanh. Trước đây, các thương nhân người Trung Quốc thường chọn thuyền buồm làm logo bởi nó tượng trưng cho gió, mang lại nhiều cuộc giao dịch kinh doanh tốt đẹp, đem lại thịnh vượng. Để kích hoạt vận may trong kinh doanh, bạn hãy đặt một chiếc thuyền buồm hay một bức tranh thuyền buồm trên bàn làm việc hoặc gần cửa ra vào sao cho chiếc thuyền di chuyển theo hướng đi vào trong văn phòng công ty. Chúng ta cũng có thể làm như vậy cho nhà ở của mình. Làm như vậy, chiếc thuyền buồm căng gió sẽ luôn tiến về phía chúng ta để tăng thêm vận may và tài lộc.

     Tranh THUẬN BUỒN XUÔI GIÓ là những món quà rất ý nghĩa đối với mỗi doanh nghiệp, cá nhân khi được tặng bức tranh "Thuận Buồm xuôi Gió"  với ý nghĩa mọi việc đều thuận lợi, trôi chảy, xuôi chèo mát mái… cũng như những doanh nghiệp khi xâm nhập thị trường nước ngoài rất mong mọi điều đều thuận lợi, như con thuyền xuôi gió khi ra biển lớn.

     Tranh thuận buồm xuôi gió là bức tranh may mắn cho những ai sở hữu nó. Làm việc gì cũng tiện và buôn gì cũng thành công! Tranh thích hợp để mừng tân gia Đại Kiết và Khai trương đại lợi, thành công.

2 - Tranh Vẽ Ngựa

     Ngựa là hình ảnh của sự kiên nhẫn, sự bền bỉ, lâu dài, sự may mắn và mang lại tài lộc. Với những nhà kinh doanh, họ thường chọn hình tượng con ngựa để trang trí trong nhà mình hay chính nơi làm việc. Theo phong thủy, biểu tượng này treo ở nơi làm việc có thể mang lại nguồn tài lộc, sự phát đạt trong kinh doanh, sự nhanh nhạy và thăng tiến tiền tài, khiến những công việc dự định sẽ nhanh chóng hoàn thành hơn dự kiến và đạt kết quả cao hơn mong muốn. Với nhà riêng tranh ngựa cũng dùng cho những người hay đi xa, giúp chuyến đi thành công tốt đẹp như ngạn ngữ “Mã Đáo Thành Công”.

     Ngựa xuất hiện trong tranh như là biểu tượng của sự mau chóng và thành đạt. Ngựa phi nước đại còn gọi là lộc mã đem lại nguồn tài lộc, sự phát đạt trong kinh doanh. Bức tranh có chủ đề phổ biến nhất là Mã Đáo Thành Công thể hiện một bầy ngựa có tám con đang phi nước đại gió bụi mịt mù. Ngựa phi trong gió cũng có ý là con ngựa đó khỏe mạnh. 

Tranh Mã Đáo Thành Công

     Tranh bát mã phi nước đại tượng trưng cho sao bát bạch rất vượng khí đem lại nguồn tài lộc rất lớn. Dùng cho những người hay đi xa, chuyến đi thành công tốt đẹp. Trong đầu tư kinh doanh thì nó mang lại lợi lộc lớn cho chủ nhân. Tranh Mã Đáo Thành Công đặt ở phòng làm việc hoặc phòng khách, hướng ngựa quay đầu chạy vào trong nhà.

     Bình thường tám con ngựa chạy về ý là tám con đều cùng một chí hướng, đó là ý nghĩa nguyên thủy của các tranh thời xưa: "mạnh dạn dồn hết nhiệt huyết, tiến về một hướng để đạt mục đích". Ngày nay, tranh Mã Đáo Thành Công được vẽ thêm chi tiết khác bình thường. Đó là có một con trong bầy quay đầu lại là điểm nhấn cho bức tranh thêm sống động. Con quay đầu thường ở vị trí giữa thứ tư hoặc thứ năm hay con đầu đàn, không khi nào là con cuối đàn, ý khuyến khích hay cổ vũ đồng đội tiến lên để đạt mục đích.

Ý nghĩa câu “Mã Đáo Thành Công” tượng trưng cho sự tốc chiến tốc thắng. Và tranh Mã Đáo Thành Công làm quà khai trương tương tự như là “Khai trương Hồng Phát”.

     Nguyên ý câu “Mã Đáo Thành Công” là: “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công”. Có nghĩa: Cờ phất (làm hiệu) chiến thắng, ngựa quay về (báo tin) thành công. Năm 1789, sau khi đánh tan quân Thanh, vua Quang Trung đưa quân vào thành, mùng 5 tết mừng xuân. Để báo tin thắng trận, vua đã cho người mang một cành đào, cưỡi ngựa truyền qua các trạm ngày đêm chuyển cành đào về cho công chúa Ngọc Hân. Đó cũng là MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG. 
                                                                                                                                                
Tranh Bát Mã Truy Phong
- Ngựa phi trong gió có ý là con ngựa đó khỏe mạnh.
- 8 con bởi vì số 8 "Bát" đọc theo hán cùng một âm với chữ Phát là phát đạt.
- Bình thường 8 con chạy về (chạy về phía người đứng ngắm tranh) ý là 8 con đều cùng một chí hướng, đó là ý nghĩa nguyên thủy của các tranh thời xưa. Đây cũng là một bức tranh tâm lý cho chủ nhân của nó "mạnh dạn dồn hết nhiệt huyết, tiến về một hướng để đạt mục đích".

      Trong phong thủy, "Bát Mã Truy Phong" thường chỉ dành tặng những người mới bắt đầu làm ăn buôn bán, mới khai trương hoặc những người đang trên đường lập công danh (đặc biệt thuận lợi cho người lập công danh trên quân trường). Theo dị đoan, những người này một khi đã được thành công thì không bao giờ được đem tặng, làm mất, làm hư hủy bức 8 con ngựa đó.
Người đã có quan chức hoặc đại gia rồi thì không nên nhận tranh 8 ngựa vì nó sẽ có nghĩa ngược lại, (mã truy phong) đem phong ba tới. Những người này phải dùng những vật khác trong phong thủy để bảo vệ và làm vững, bền những gì họ đang có.

3 - Tranh Cá
  Cá chép: Theo quan niệm phương Đông, cá Chép tượng trưng cho sức khỏe và tài lộc. Trong đường quan lộ, cá Chép là biểu tượng của sự thăng tiến, công danh. Treo tranh cá chép ở nhà riêng hay văn phòng sẽ mang tới cho nguồn bạn tài lộc dồi dào. Trong kinh doanh, cá chép còn tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm khi nó thường bơi ngược dòng nước, cộng với đức tính bền bỉ và sự cố gắng dẻo dai, đã có thể vượt Vũ môn để hóa Rồng, nên người ta còn coi cá Chép như một hiện thân của Rồng, con vật linh thiêng cao quý

      Cá chép là biểu tượng cho sự kiên trì, bền trí, linh thiêng cao quý (truyền thuyết "Cá chép hóa rồng"). Treo tranh về cá chép sẽ biểu thị sự tăng tiến công danh và nổi tiếng. Trong làm ăn buôn bán, cá chép đại diện cho thủy khí (nguồn tài lộc dồi dào). Cá chép thường được vẽ cùng hoa sen cũng mang nhiều ngụ ý. Chữ Hán, sen là "liên", đồng âm với liên tục, dài lâu. "Ngư" (Dư) và "Liên", nghĩa là sự dư dả dài lâu.
-  Bé Trai Cỡi Cá Chép : Hình ảnh cậu bé cưỡi cá chép được biết tới như một hình ảnh rất đẹp trong truyền thuyết về Khổng Tử với sự tích “Kỳ Lân Tống Tử” Khi Khổng tử sinh con trai, được nhà vua Lỗ tặng cho một con cá chép . Khổng tử đã dùng chữ Lý Ngư (cá chép) để đặt tên cho con mình . Vì thế hình ảnh này tượng trưng cho sự cầu Quý Tử, rất thích hợp với nhưng gia đình đang mong muốn có con trai .

 

                                                         

-Cửu Ngư Đồ
      Bức tranh thường gặp về cá là "Cửu ngư đồ" là tranh vẽ 9 con cá, lợi dụng sự đồng âm giữa ‘cửu’ là chín và ‘cửu’ là lâu dài để cầu chúc dư dả lâu dài. Cá chữ Hán là “ngư” , âm đọc là ” Yu” đồng âm với “dư” (dư dả). Do vậy, cá biểu trưng cho sự dư dả. Hình vẽ cá phối hợp với nhiều hình họa, hoa văn khác có thể hiểu là “hữu dư” có nghĩa là “có”, tức giàu có : dư ăn dư để.
 

- Tranh chữ

     Các chữ thường treo là Phúc, Lộc, Thọ với mong muốn trực tiếp từ nghĩa của các chữ mang lại. Ví như chữ "Phúc" treo gần cửa ra vào nghĩa là" Phúc rơi vào đầu", tức hạnh phúc sẽ đến với gia đình.

- Tranh vẽ chim

Một số loài chim thường gặp trong tranh phong thủy như chim hạc, chim én, chim nhạn... Hạc tượng trưng cho sự trường thọ, kết hợp với cây tùng cũng mang nghĩa là bất tử. Do đó bức "tùng hạc diên niên" thường được dùng để chúc thọ. Hay hình ảnh chim én vui trong gió xuân, chim hồng nhạn hay đôi uyên ương... đều mang ý về tình nghĩa vợ chồng, gia đình khang lạc, thích hợp đặt trong phòng ngủ.

- Tranh Tứ Quý

     Một năm có bốn mùa. Mỗi mùa có ba tháng, gọi theo thứ tự là mạnh, trọng, quý. Tứ quý là bốn tháng cuối của bốn mùa. Tháng ba: Quý xuân. Tháng sáu: Quý hạ. Tháng chín: Quý thu. Tháng mười hai (chạp): Quý đông.

 

     Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Mỗi loài hoa, loài cây lại tương ứng với một loài chim. Vẽ hoa ấy phải đi với chim ấy mới là đúng quy tắc, đúng luật. Như vẽ hoa mai phải vẽ với chim khổng tước (mai/điểu), hoa hồng với chim công (hồng/công), hoa cúc với gà (kê/cúc), cây thông với chim hạc (tùng/hạc) v.v...

Tứ Quý: Tùng Cúc Trúc Mai 
      Bộ tranh Tứ Quý Tùng Trúc Cúc Mai,  thường được mọi người yêu thích từ ý nghĩa của các loại này.
  
 -

- Tùng:

      Đại diện cho mùa Đông. Chữ Tùng có nghĩa là cây Thông. Ta gọi là Tùng, Bách, Thông nhưng Tàu chỉ gọi là Tùng. Họ phân biệt mấy loại đó bằng Tùng La hán, Tùng mã vĩ (thông đuôi ngựa)...

      Cây Tùng mọc trên núi đá cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Nó hay mọc ở những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết không đổ. Ngoài ra, hãy để ý Tùng là loài cây thực vật hạt trần, có thể phán tán bộ gen trong gió. Nó là loại thực vật lá kim, quanh năm xanh tốt, không rụng lá, tiết kiệm (nước), rễ bám sâu vào trong vách núi. Đó là phẩm chất quý mà con người mong ước.
Trong truyện Tào Tháo đời Tam Quốc có nói đến chuyện 1 cây Tùng già cổ thụ, đường kính mấy chục người ôm (tương truyền giờ vẫn còn). Nhiều người muốn chặt nhưng không chặt được. Tào Tháo khiếp sợ và phong cho cây Tùng là Trượng phu Tùng. Có phong quan và treo mũ tượng trưng. Vậy là bạn biết Tùng có ý nghĩa rồi chứ: Bậc Trượng phu hoặc Đại trượng phu.
Ngoài ra, trong quan niệm của người Trung Hoa, tùng còn có khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ rất mạnh nên tùng mang lại sự bình yên, an lành cho con người.

- Cúc:

      Nói về Cúc, tức là mùa thu. Hoa Cúc là một trong bốn loại hoa quyền quý trong văn hóa Trung Hoa. Nguồn năng lượng mà hoa cúc đem lại khiến cho gia chủ có một cuộc sống bình dị và cân bằng trong mọi việc. Cúc biểu tượng của sự trường thọ. Thường dùng để chúc thọ, chúc người già. Vì thế có loài cúc mang tên Cúc Vạn thọ. Cúc cũng có chí khí quân tử của nó. Ai chơi hoa cúc đều biết Hoa cúc tàn nhưng không rụng, nó chỉ gục rũ trên thân của nó thôi. Nó gợi cho ta đến 1 hình ảnh chết đứng, chứ không chết nằm.
Chu Đôn Di đời Tống từng nói: Cúc hoa chi ẩn dật giả dã "Trong các loài hoa, cúc là kẻ ẩn dật"
 Hoa cúc có thể dùng làm thuốc và pha trà. Trung Hoa có loại trà hoa cúc rất thơm ngon, có thể pha thuần hoa cúc, có thể thả vài bông vào ấm chè mạn, thanh nhiệt giải độc. Các cụ già rất khoái uống trà này. Uống trà hoa cúc, bình thơ, đàm đạo, đánh cờ thì rất tuyệt.

- Trúc:

      Nói đến mùa hạ là nhắc đến cây Trúc. Trúc trong tiếng Hán chỉ loài tre nói chung. Chứ không phải là cây trúc ở Việt Nam. Cây tre trong tiếng Hán là Thích Trúc (tức là cây tre có gai). Chỉ có điều cây Trúc theo nghĩa là cây cảnh thì người ta hay chơi Trúc Quân tử. Cây Trúc cũng là 1 cây có thể sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, đốt (lóng) ngay thẳng từ bé. Đốt cháy thân cây tre đi nhưng đốt than của nó vẫn thẳng chứ không cong gãy.
Từ ngàn xưa (ít nhất là từ thời Thánh Gióng), cây tre đã người Việt Nam sử dụng như một thứ vũ khí chiến đấu có hiệu quả trước giặc ngoại xâm và giặc lũ. Người dân Việt Nam ai chẳng biết thân tre được sử dụng làm gậy, roi, chông, cung, tên, cọc (chống lụt), cây nêu (trừ tà ma)…
Ở nông thôn Việt Nam, làng nào mà chẳng có vài luỹ tre xanh. Nó gợi lên một cảm giác yên bình và che chở. Các vật dụng trong nhà, dưới bếp và đồ dùng trong nông nghiệp không thể thiếu vắng vai trò của cây tre.
Chưa hết, cây tre trong quan niệm của người xưa là đại diện cho tấm lòng ngay thẳng, chính trực của bậc chính nhân quân tử. Người xưa nói Tùng - Trúc - Cúc - Mai là như vậy. Tre mùa đông không rụng lá, sống nơi khô cằn sỏi đá, đốt tre mọc thẳng từ khi còn là măng non. Vì thế còn có câu: Trúc dẫu đốt, tiết ngay vẫn thẳng.

- Mai:
 

      Biểu tượng Mùa Xuân. Mai là 1 cây hoa quý đối với người Trung Quốc. Nó có màu trắng hoặc hồng (không phải là giống hoa mai vàng của miền Nam). Vì nó trắng nên tượng trưng cho sự thanh khiết. Nó chịu qua gió tuyết mùa đông (nên nhớ là có cả tuyết đấy) nên thể hiện 1 sức khỏe, 1 sức sống mãnh liệt. Khi mùa xuân về nó nở hoa 5 cánh, báo hiệu xuân về. Vì ý nghĩa đó, ngay cả Cao Bá Quát cũng phải thốt lên rằng: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai thôi). Có thể coi là biểu tượng của Quân tử.
 Hoa mai biểu tượng cho sự cao thượng, vinh hiển cao sang tượng trưng cho vua thời phong kiến. Cứ tết đến hoa mai, đơm bông nẩy lộc độ xuân về, nó có ý nghĩa tình cảm, tình người, giàu sang tấn lộc tấn tài .

      Nói tóm lại, bộ Tranh Tứ Quý thể hiện bản chất thanh cao, chính trực... rõ hơn là bộc lộ tất cả những phẩm chất cao quý của người Quân Tử.

Cách treo tranh Tứ Quý:

      Nhiều người thắc mắc về cách treo tranh Tứ Quý thế nào cho đúng? Theo tôi thấy có hai cách treo nhưng đều theo thứ tự 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông.
      Từ phải sang trái: đây là cách thức của người Trung Hoa xưa, do chữ viết cũng bắt đầu từ phải sang trái. Ngày nay nhiều người vẫn theo cách này.
Từ trái sang phải: Ngày nay nhất là người Việt chúng ta, viết hay đọc chữ đều bắt đầu từ trái sang phải. Do đó cách treo tranh Tứ Quý cũng cũng theo như vậy.
      Một điều đang lưu ý là dù treo tranh theo cách nào, chúng ta vẫn phải theo thứ tự Xuân => Hạ => Thu => Đông.

     Tranh Tứ Quý ngoài Tùng Cúc Trúc Mai, còn có Mai Lan Cúc Trúc,

             

  Huỳnh Hữu Đức (Tổng Hợp và Biên Soạn từ Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét