Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Hoạ Sĩ Quan Tồn Chí - Nét Cọ Tài Hoa, Một đời Mệnh Bạc

Nét Cọ Tài Hoa

Họa Sĩ Quan Tồn Chí tên thật là Quan Lạc Cường tự là Tồn Chí sinh năm 1932 tại Nam Hải, Quảng Đông, Trung Quốc nhưng lại sống ở Việt Nam từ nhỏ. Lúc hoa niên, ông đã thích vẽ và rất đam mê bộ môn này. Ông đã có một thời gian dài theo học các danh họa về môn sơn dầu, thiết kế mỹ thuật, vẽ phông sân khấu và sau đó là thủy mặc.
Ông bước sang lĩnh vực sáng tác tranh nghệ thuật ở tuổi 20, với ông, hội họa trở thành nghề chính trong cuộc sống. Từ năm 1976 đến năm 2012, ông là giáo viên mỹ thuật giảng dạy các lớp hội họa cho nhiều học viên, thành viên của HỘi Mỹ Thuật TPHCM - từng tham gia nhiều cuộc triễn lãm do Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hội Mỹ Thuật TPHCM và CLB Mỹ Thuật quận 5 tổ chức. Mùa xuân năm 1989, ông cùng các thân hữu như nhà thư họa gia Lý Tùng Niên, Vương Trung Phu, Huỳnh Tuần Bá thành lập nhóm Nam Tú Nghệ Uyển tại Chợ Lớn nhằm mục đích vực dậy nghệ thuật thủy mặc. Ông muốn dạy cho thanh niên biết nghệ thuật, tổ chức nhiều lớp thư pháp và hội họa, tận tâm truyền nghề cho thế hệ đi sau. Năm 1994, ông có buổi triễn lãm tranh rất thành công tại Hiệp Hội Giao Lưu Văn Hóa Pháp Việt. Ông cũng nhiều lần tham gia triễn lãm tranh trong và ngoài nước khác, để lại dấu ấn đẹp trong lòng người yêu thích tranh.
Với những cống hiến văn hóa, nghệ thuật đó, năm 2002 ông được Bộ Văn Hóa Thông Tin Và Hội Mỹ Thuật TPHCM trao tặng huy chương " Vì Sự Nghiệp Mỹ Thuật Việt Nam".
Quan Tồn Chí có quan niệm về nghệ thuật đơn giản nhưng hàm xúc một ý tưởng xã hội: " Lấy cái đẹp để trang trí đời sống người dân". Có lẽ thế mà các đề tài ông chọn thường là những cảnh có tính tươi vui, thanh bình, hạnh phúc: " Đón Xuân Nước Nam" với chim hót mai nở trong tiết gió đông cuối mùa như thúc giục một mùa xuân mới, " Cảnh quê Hội An", " Phố Cổ Hội An" thật bình dị mà hạnh phúc, hạnh phúc trong sự thanh bình của đất nước. Những cảnh quê Việt Nam mới ngôi nhà lá, những dòng sông...đều giữ được nét đơn sơ,mộc mạc trong tranh của ông.
Nhưng sở trường của ông là vẽ mai, ông vẽ rất nhiều chủ đề về mai. Mỗi một bức vẽ đều chứa đựng một không khí tươi vui tràn đầy hạnh phúc. Với đề tài này, tranh của ông đã được giới hâm mộ nghệ thuật trong và ngoài nước tán thưởng, đặt mua rất nhiều.
Về kỹ thuật, ngoài phương pháp thủy mặc truyền thống, ông còn ứng dụng sơn dầu vào phong cách thủy mặc, dùng cọ vẽ bằng chất liệu sơn dầu và lối vẽ này được khách nước ngoài vô cùng hâm mộ. Có thể nói tác phẩm lớn nhất và thành công nhất của ông trong lối ứng dụng này chính là bức bích họa vẽ vào năm 1993 tại Thảo Đường Thiền Tự - Chợ Lớn. Bức bích họa rất hoành tráng ( 50m x 2m) với hình ảnh của 500 vị la hán, mỗi người một thần thái khác nhau phủ kín cả không gian chánh điện trông thật sống động, toát lên vẻ an lành của thế giới cực lạc. Tranh được vẽ hẳn vào tường, ngoài việc dùng để trang trí còn mang một ý nghĩa tích cực trong việc hướng con người đến cái thiện và tạo không khí trang nghiêm cho chánh điện.
Với ánh sáng và màu sắc hiện đại, cách thể hiện hài hòa kim cổ từ cái nền sẵn có của người xưa để lại, với cái nhìn mới hiện nay Quan Tồn Chí đã thể hiện sống động phong cảnh của các miền đất nước. Những cuộc sống đời thường chất phác của người dân việt đã được ông ghi lại bằng gam màu đậm hơn bởi phong cách thủy mặc hiện đại, rất sống động qua những chuyến du hành khắp nơi của mình.
Về thư pháp, ông sở trường các kiểu chữ khải, lệ, hành. Nét bút hồn hậu, chân chất. Chữ lệ của ông ảnh hưởng của Triệu Chi Khiêm đời thanh, chữ khải ảnh hưởng của Nhan Chân Khanh và Liễu Công Quyền đời đường, còn chữ hành là do ông tự tạo phong cách riêng cho mình.
Xem tranh của ông, khán giả có thể cảm nhận được tác giả là một người cô độc nhưng có tâm hồn nhạy bén trước cảnh đẹp của thiên nhiên, cảm thụ tinh tế đất trời rồi ghi lại nó trong các tác phẩm của mình. Nhưng bản thân ông vẫn chưa hài lòng với điều đó mà còn mải miết đi tìm một cái gì đó xa hơn nữa. Ở các bức " Văn Miếu Hà Nội", " Tình Cố Hương", " Song Phi"...ông thể hiện rõ một lòng hoài vọng sâu ẩn trong cái lãng đãng phiêu bồng của thủy mặc xưa dẫu cách phối màu có nét đậm hơn, thực hơn và nhiều chất tây hơn. Với thể loại tranh thủy mặc hiện đại này, Quan Tồn Chí đã thể hiện rất thành công cho niềm yêu thích của mình trong bộ môn thủy mặc, trong góc nhìn luôn hướng về các mới và lạ này giúp cho người thưởng lãm cảm được cái thực trong đời sống hằng ngày và từ đó họ cảm thụ nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Một Đời Mệnh Bạc:

Với tài năng thiên phú lại có thâm niên trong nghề, được giới nghệ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao, ai cũng nghĩ rằng họa sĩ Quan Tồn Chí sẽ có một cuộc đời rất thảnh thơi an nhàn. Tuy nhiên, qua những câu chuyện do chính ông kể lại và do những người học trò của ông nhớ lại thì những người thương kính họa sĩ sẽ không khỏi ngậm ngùi trước phận số có phần lận đận và rất hẩm hiu của ông.
Ông bảo: lúc nhỏ do đam mê vẽ quá nên thường lén xem trộm một ông thầy dạy vẽ gần nhà. Một hôm đang thập thò đứng xem thì con của ông thầy kia thấy ông xem lén bèn đem xô nước đứng từ trên lầu dội xuống làm ông ướt lạnh cả người. Hay khi lớn lên, đã có cái nhìn tổng quan hơn và thủy mặc và thư pháp thì ông xin vào học vẽ tranh sơn dầu ở một tiệm quảng cáo. Người chủ thấy họa sĩ học nhanh quá, chẳng mấy chốc đã tiếp thu hết những bí kíp nghề nghiệp gia truyền nên cũng vui vẻ giao cho họa sĩ trong coi việc kinh doanh của tiệm. Chẳng may người chủ này lại vướng nghiệp rượu chè nên qua đời sớm, thế là họa sĩ lại phải ra đi, bôn ba mưu sinh.
Đi đến đâu thì học đến đấy, nhưng đa phần đều là học lõm nhưng lĩnh vực nào ông cũng rất giỏi từ thủy mặc, sơn dầu, chỉ, lụa, bột than, màu nước... Họa sĩ từng nói là học cái gì cũng vậy, nên biết thật nhiều nhưng đã học thì phải cho ra học, kiên trì thu nhặt từng chút một không được bỏ sót, không nên bỏ dở nửa chừng rồi không có thành tựu gì cả.
Những lúc rãnh rỗi, các học trò của họa sĩ thường được ông dạy thêm về cái lễ của con người với nhau hay học trò có chuyện cần tư vấn về tình cảm thì họa sĩ cũng rất tỏ tường. Trong câu chuyện của mình, họa sĩ thường nhắc đến bóng dáng của các học trò cũ của mình. Ông kể có người đi đâu công tác cũng đều ghé ngang chào một tiếng, hoặc có ai đó đã thành danh rồi lại không thèm chào hỏi mình một tiếng dù ông biết người đó ở rất gần. Để từ đó đúc kết lại những bài học nhân văn cho thế hệ học trò đi sau noi gương và thấm đẫm cái tình của những người làm nghệ thuật, sống vì nghệ thuật hơn bao giờ hết.
Mặc dù cả cuộc đời dành hết cho nghệ thuật, nhưng chẳng mấy ai biết người họa sĩ nổi tiếng đó phải sống một mình trong căn phòng trọ rất chật hẹp. Dù đã hơn 80 nhưng ngày nào ông cũng mở lớp dạy vẽ và thư pháp tại nhà để kiếm sống. Trong căn phòng chưa đầy 20 mét vuông thì quá nửa không gian là để đặt bàn lớn cho học trò ngồi vẽ, còn lại là giấy, màu, khung tranh. Không gian nghỉ ngơi của ông chỉ là một chiếc giường đơn nhỏ bé.
Hôm nào học trò đông không có chỗ ngồi thì phải chia nhau vào các ngày cuối tuần, ai có tiền đóng học phí thì đóng có bao nhiêu đưa bấy nhiêu, không có thì họa sĩ cũng miễn phí cho. Vì thế, có nhiều thế hệ được ông dìu dắt trước đây đã là các giáo sư danh tiếng trong trường đại học, hơn 60 tuổi đời rồi nhưng cảm cái tình của ông mà đến xin làm đệ tử.
Họa sĩ vẫn thường bảo: " Tuổi này còn cầm cọ vẽ được có lẽ cũng là nhờ ái tâm an tĩnh của nghệ thuật, bây giờ dạy được đến đâu thì dạy, cố gắng dạy lại cho các bạn trẻ những gì mà tôi đã tích lũy được trong một đời này, chứ mai mốt chết đi có mang theo được đâu..."
Nhiều người hỏi ông sống một mình như vậy có buồn không, lỡ ốm đau gì ai lo thì họa sĩ cười hiền như ông Bụt. Họa sĩ nói có người anh bên Quảng Đông, có người em gái ở Hongkiong muốn bảo lãnh ông sang để phụng dưỡng nhưng ông đều từ chối. Nhiều hôm trái gió trở trời, cơn huyết áp cao đến hay những lần cảm đến kiệt quệ người, nằm liệt giường chẳng biết nhờ ai nhưng ông bảo mình sống ở Việt nam cả đời rồi, coi như máu thịt thấy gắn bó lắm không muốn đi đâu nữa.
Họa sĩ bảo hãy quý trọng những thời khắc mình đang có, đừng để nó mất đi rồi khó tìm lắm. Dù là một họa sĩ nghèo, tứ cố vô thân nhưng ông luôn tìm cách để san sẻ với mọi người và siêng năng làm từ thiện vô cùng. Những học trò thân quý của ông vẫn còn nhắc mãi hình ảnh một người thầy già, tận tụy với nghề nhưng có cuộc sống rất đơn bạc lại chắt chiu từng đồng xu cắc bạc để mua quan tài tặng cho người nghèo. Ai có hỏi thì ông chỉ cười hiền và nói cho người cũng như cho mình thôi mà!
Rồi ngày chủ nhật 10-6-2012 người họa sĩ tài ba với tấm lòng trong sạch, lương thiện đó đã về cõi vĩnh hằng. MỘT ĐỜI TÀI HOA - MỘT ĐỜI PHẬN BẠC đã chấm dứt nhưng những giá trị tinh thần do họa sĩ để lại cho hậu thế vẫn còn đó trong lòng người hâm mộ.
Để tưởng nhớ vị thầy của mình, ngày 13-6-2013 các thân hữu và học trò của họa sĩ đã thực hiện một buổi triễn lãm lớn các tác phẩm của ông tại Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp TPHCM với mục đích bán tranh làm từ thiện như sở nguyện của cố họa sĩ. Buổi triễn lãm rất thành công và công chúng được thêm một lần thưởng lãm nét bút tài hoa của ông. Nay, các bức tranh còn lại sau buổi triễn lãm đó theo như di chúc của họa sĩ thì do học trò của ông Họa Sĩ Kim Ngân giữ gìn. Quý thân hữu nào yêu thích tranh có thể đến phòng tranh của Họa Sĩ Kim Ngân tại số 16 Đường Phan Văn Trị, P2, Quận 5 hoặc liên hệ theo số điện thoại 0909636474 để mua về bức tranh mà mình yêu thích, toàn bộ số tiền do bán tranh sẽ làm theo ý nguyện của họa sĩ Quan Tồn Chí khi còn sinh thời là dùng vào việc từ thiện 100%.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét