Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Sống Trong Thế Giới Biết Ơn



* Xin biết ơn những người khiển trách ta, vì các người giúp ta tăng
trưởng Định Tuệ.

* Xin biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì các người khiến năng lực
của ta mạnh mẽ hơn.

* Xin biết ơn những người bỏ rơi ta, vì các người đã dạy cho ta biết tự lập.

* Xin biết ơn những người phản bội và đâm sau lưng ta, vì các người đã
tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.

* Xin biết ơn những người lường gạt ta, vì các người tăng tiến kiến thức cho ta.

* Xin biết ơn những người làm hại ta, vì các người đã tôi luyện tâm trí của ta.

* Xin biết ơn tất cả những người khiến ta được Kiên Định Thành Tựu.


.Câu chuyện con lừa. 


Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống
một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang
trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già,
dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong
việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ
xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy
ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một
vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt.

Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và
bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao
hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng
giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn
đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể
thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu
hàng.


.Thiền Sinh và Con Bọ Cạp. 


Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một
con bò cạp rớt xuống suối. Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ
nhàng để nó lên mặt đất. Con bò cạp theo phản ứng tự nhiên là cong
đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng
ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu
sống được con bò cạp. Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước,
thì ông quay lại nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông
vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai
cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa. Trông thấy cảnh tượng này,
một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc
nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”. Ông thản
nhiên trả lời rất hay: “Chích là thói quen của con bò cạp, giúp nó là
thói quen của tôi”. Đó chính là thói quen của lòng từ bi. Chúng ta
giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền
ơn. Người như vậy mới làm nên đạo cả. Nhưng triết lý của câu chuyện
không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn. Đó là nếu chúng
ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người,
nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của
những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao
thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành
công được.

Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kham nhẫn mà làm
nhiều Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ
lớn chừng đó. Đôi lúc chúng ta làm Phật sự trở thành ma sự là vì vậy.

Tâm huyết quá lớn, nhưng không có sự tu tập để chuyển hóa được nghịch
cảnh, để thăng hoa đời sống tâm linh và đạo đức, thì sự sân hận, uất
ức và sự si mê sẽ có cơ hội lớn mạnh, len vào tâm trí chúng ta để trở
thành những thói quen mới. Đó là thói quen xấu trước những hoàn cảnh
không thuận duyên.

Triết lý của câu chuyện ở chỗ đó. Chúng ta thấy bò cạp có thói quen
chích. Nhân tình thế thái trong cuộc đời cũng như vậy. Đôi lúc chúng
ta nhiệt tình với người nào đó quá mức, chúng ta giúp đỡ, xây dựng,
giáo dưỡng người đó càng nhiều thì càng làm họ bị trói buộc, cho nên
nhà Nho nói rằng giáo đa thành oán.

Thói quen của sự phản bội, của nhân tình thế thái là những thứ dễ làm
chúng ta chán nản lắm và nếu như không có lòng chịu đựng được những cú
chích của nhân tình thế thái thì tốt hơn, chúng ta đừng bao giờ dấn
thân hành Bồ tát đạo. Chúng ta tu tập hạnh Độc giác, tức giác ngộ rồi
nhập Niết bàn còn tốt hơn; vì làm quá độ chẳng những không có lợi cho
người khác, còn hại đến bản thân và đời sống nội tâm của ta rất nhiều.

Kim Dung Sưu Tầm

__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét